5:43 PM, 08/06/2016

Đặt chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm trong kế hoạch phát triển KT-XH

(Chinhphu.vn) - Việc không đặt chỉ tiêu bảo hiểm xã hội (BHXH) trong các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm đã ảnh hưởng tới việc phát triển và thực hiện chính sách an sinh có ý nghĩa này của Nhà nước.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây là một khó khăn trong thực hiện chính sách BHXH được các cơ quan đặt ra trong cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với BHXH Việt Nam sáng 8/6.

Thực tế, Nghị quyết số 21/NQ-TW của Bộ Chính trị đặt chỉ tiêu tới năm 2020 cả nước sẽ có 50% lượng lượng lao động tham gia BHXH và 35% tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tuy nhiên, trong các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các địa phương lại không cụ thể hóa nội dung này cho từng năm nên rất khó thực hiện. Trong khi đó, chỉ tiêu về bảo hiểm y tế đã được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Nhà nước và hằng năm đều vượt kế hoạch được giao.

Tính đến hết tháng 5/2016, cả nước mới có 12,3 triệu người tham gia BHXH, chiếm 23,3% lực lượng lao động và 10,5 triệu người tham gia BHTN, chiếm 19,6% lực lượng lao động. Tuy nhiên, BHXH Việt Nam cho rằng việc phát triển và mở rộng BHXH là hết sức khó khăn do phần lớn đối tượng chưa tham gia là những đối tượng không được Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng.

Ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, qua các đợt khảo sát do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với bộ, ngành mấy năm qua thấy, do không giao chỉ tiêu cụ thể nên lãnh đạo một số địa phương “lơ là” trong thực hiện chỉ tiêu này.

Trong khi đó ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, một số tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ BHXH đạt dưới 10%, do đó chỉ tiêu 50% lực lượng lao động tham gia BHXH là thách thức rất lớn.

Ông Diệp phân tích, số lao động có tiền lương, tiền công mới chiếm 41% lực lượng lao động, trong khi có khoảng 50% là lao động ở khu vực phi kết cấu (những đơn vị sản xuất kinh doanh có dưới 10 lao động, hoạt động hợp pháp nhưng có thể không đăng ký, đa số là các doanh nghiệp mang tính gia đình hoặc có thuê một ít lao động bên ngoài, lao động ít qua đào tạo chính quy, vốn ít - PV). Bộ luôn cập nhật bảng lao động thì thấy mỗi quý thêm nửa % vào số lao động có quan hệ tiền công, tiền lương. Do đó, một năm chỉ tăng khoảng 2% và 3 năm nữa thì chưa đạt tới 50% người lao động ở khối có tiền lương”.

Trước thực tế này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng, việc thực hiện chỉ tiêu của Bộ Chính trị là khó khăn và đề nghị BHXH Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết, giao chỉ tiêu bắt buộc thực hiện BHXH với người lao động.

Đối với phát triển bảo hiểm thất nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng BHXH Việt Nam không nên quá coi trọng việc chi trả mà phải tìm các giải pháp để giữ người lao động trong hệ thống, chứ không để họ rời hệ thống bảo hiểm.

Đồng thời, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu BHXH Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành chủ động rà soát, tích cực hoàn thiện sớm hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH và BHYT (sửa đổi).

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phối hợp thu BHXH qua cơ quan thuế

Thảo luận về ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trước việc cộng đồng doanh nghiệp “than vãn” về tỉ lệ đóng bảo hiểm cao (hơn 32%) gây khó cho doanh nghiệp, Phó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng, doanh nghiệp đang đóng bảo hiểm cho người lao động trên nền lương thấp.

Theo ông Chính, hiện doanh nghiệp chỉ đóng bằng mức lương tối thiểu vùng, ví dụ mức này là 3,5 triệu đồng, cộng thêm 7% chi phí qua đào tạo là 3,6 triệu. Việc này là hợp pháp, nhưng 30 năm sau người lao động chỉ được hưởng tối đa 75% của mức lương này thì mức sống thấp, trở thành gánh nặng cho xã hội.

Ở góc độ công đoàn, doanh nghiệp làm 2 bảng lương, một là bảng lương tối thiểu gửi cho BHXH, còn bảng lương quyết toán thuế trả cho người lao động hiện nay là 5,5 triệu đồng, ở TPHCM và Bình Dương là 6,5 triệu đồng. Khoảng chênh lệch 2 triệu đó đã chiếm 22% thu nhập, do đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị doanh nghiệp đóng quyết toán thuế bao nhiêu thì đóng cho BHXH bấy nhiêu trên nền lương.

Ngoài ra, ông Chính cho rằng, BHXH cần phải liên thông về số liệu thu nhập với cơ quan thuế nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động và nguồn thu của BHXH. “Nếu doanh nghiệp làm đúng thì người lao động sau 30 năm nữa mới có lương đủ sống”, ông Chính khẳng định.

Về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh cho biết, cơ quan này đang cùng Bộ Tài chính, cơ quan thuế phối hợp, thí điểm thu hộ BHXH ở 5 tỉnh và trên cơ sở đó sẽ nhân rộng trên toàn quốc.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Trần Đình Liệu và ông Phạm Lương Sơn giữ chức Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bày tỏ ủng hộ cách làm này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong chia sẻ dữ liệu thu, bảo đảm việc thu công bằng giữa các khu vực. Trong quá trình thực hiện, nếu thấy vướng mắc thì báo cáo Chính phủ xem xét, cho ý kiến.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra chuyên ngành BHXH, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51 để thực hiện chức năng này của BHXH Việt Nam. Do đó, BHXH Việt Nam cần cung cấp đầy đủ thông tin nợ đọng BHXH, chia sẻ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để tiến hành đề nghị cơ quan tố tụng khởi tố hình sự với trường hợp doanh nghiệp có khả năng chi trả nhưng chây ì không đóng BHXH khi Bộ luật Tố tụng hình sự có hiệu lực từ 1/7/2016.

Ngoài ra, tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị BHXH Việt Nam và Bộ Y tế phối hợp xây dựng đề án đấu thầu giá thuốc trong danh mục chi trả của bảo hiểm y tế để góp phần giảm giá thuốc, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.

Ông Đỗ Văn Sinh cho biết, Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 quy định BHXH Việt Nam không có thẩm quyền khởi kiện nợ BHXH nên Tòa án không giải quyết các đơn kiện của BHXH. Do vậy, trong 5 tháng đầu năm, nợ BHXH đã lên tới 14.500 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2015. Phải đợi tới 1/7 khi Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) có hiệu lực thì Tòa án mới chấp nhận lại đơn kiện của BHXH Việt Nam. Do đó trong khoảng thời gian “trống” pháp lý này, các doanh nghiệp đã gia tăng tình trạng nợ BHXH.

Về thực trạng nợ BHXH, ông Sinh cho biết, trong số 7.500 tỷ đồng nợ vào cuối năm 2015, có 2.200 tỷ đồng nợ khó đòi và 220 tỷ không thể đòi được vì có hơn 100 doanh nghiệp giải thể, ảnh hưởng tới cuộc sống của 13.000 lao động.

Thành Chung

Viết bình luận

Bình luận của bạn sẽ được biên tập trước khi xuất bản